Từ 3 tuổi, bé chuyển sang một cột mốc quan trọng: Chính thức… đi học! Cũng từ đây, chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé được chia thành 2 phần rõ rệt: Ở trường và ở nhà. Bạn cần hiểu rõ và phối hợp với nhà trường, đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng cho bé, giúp bé phát triển hoàn thiện và có đủ năng lượng cho các hoạt động học tập, vui chơi.
Dinh dưỡng 3-4 tuổi quyết định chiều cao cho trẻ
Khoảng thời gian từ 3 tuổi đến 10 tuổi được xem là giai đoạn vàng, quyết định 60% tiềm năng phát triển chiều cao của trẻ. Giai đoạn này như chiếc cầu nối, là sự chuẩn bị hoàn hảo cho sự phát triển vượt trội lên của cơ thể ở tuổi dậy thì. Nếu giai đoạn này bị lơ là, cơ thể không có đà phát triển tốt nhất, không tích trữ được đủ những gì cần thiết cho bước nhảy vọt thì hệ quả tất yếu là đến tuổi trưởng thành, trẻ sẽ thấp bé so với bạn bè. Ngược lại, nếu trẻ được đầu tư chăm sóc dinh dưỡng tối ưu trong giai đoạn này sẽ tạo nền móng vững chắc cho tầm vóc cao lớn khi trưởng thành. Ngay từ lúc con 3 tuổi trở đi, bạn cần chú trọng đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng cho con, bổ sung đầy đủ chất giúp con có được chiều cao lý tưởng sau này.
Nhiều phụ huynh nhầm chú trọng dinh dưỡng rất kỹ cho con trong những năm đầu đời, nhưng đến 3 tuổi, trẻ bắt đầu đi học thì… khoán hẳn việc chăm sóc dinh dưỡng cho nhà trường. Bé về nhà chỉ được ăn theo kiểu “có gì ăn nấy”. Điều này hoàn toàn không nên, vì bạn cần biết rằng dinh dưỡng chiếm đến 32% kết quả phát triển chiều cao cho bé vào giai đoạn này (yếu tố di truyền quyết định 23% kết quả, còn lại 5-10% cho mỗi yếu tố khác như tập luyện và vận động, giấc ngủ, môi trường, bệnh lý...).
Điều bạn nên làm là cần chú trọng đến những bữa ăn của con, sao cho đầy đủ các nhóm chất. Ngoài ra, nên duy trì sữa công thức và bổ sung đều đặn cho trẻ 2-3 ly sữa mỗi ngày vì sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu giúp cung cấp lượng Canxi đầy đủ cho trẻ, điều mà nếu chỉ dựa vào những bữa ăn hàng ngày thì sẽ thường thiếu hụt.
Vài lưu ý về dinh dưỡng cho bé lên 3
+ Tuổi mẫu giáo, trẻ rất hiếu động, và đã biết tham gia các trò chơi vận động đơn giản, nhưng trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng tương đối nhanh. Do đó, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ cần phải được theo dõi thường xuyên. Giai đoạn này là giai đoạn trẻ phát triển nhanh về chiều cao, phát triển mạnh về trí não.
+ Bé không cần quá nhiều chất béo từ động vật như trước nên bạn có thể giảm lượng mỡ động vật (trừ mỡ cá) xuống một chút, thay vào đó sử dụng các loại dầu mè, dầu phụng, dầu ô-liu… Cho bé ăn thịt nạc và cá, tôm.
+ Lượng sữa nên giảm xuống còn 500ml/ngày. Khuyến khích bé uống sữa tươi không đường, sữa công thức.
+ Tăng cường lượng rau củ, trái cây. Cố gắng trình bày các món rau củ, trái cây thật bắt mắt, hấp dẫn để tạo thói quen ăn nhiều rau củ, trái cây từ lúc này cho trẻ.
+ Nếu ở trường không chuẩn bị bữa sáng cho bé thì bạn cần cho bé ngủ sớm để đánh thức bé dậy sớm, ăn một bữa ăn thật hoàn chỉnh tại nhà. Trẻ không có cơ hội “than đói” nhiều lần trong ngày hay bất cứ lúc nào trẻ muốn như ở nhà. Giờ giấc ăn uống của trẻ ở trường đã được quy định rõ nên con bạn cần được cung cấp đầy đủ năng lượng để bắt đầu một ngày mới.
Cho con ăn bao nhiêu bữa?
Trẻ từ 3-4 tuổi vẫn cần duy trì 5 bữa/ngày, trong đó có 3 bữa chính sáng – trưa – tối, 2 bữa phụ vào giữa buổi sáng và lúc xế chiều.
Bữa sáng, trẻ cần ăn nhiều hơn sau 1 đêm ngủ dậy. Thông thường trẻ sẽ ăn sáng bằng bánh mặn, bánh ngọt, trứng gà, sữa, cháo… có thể kết hợp cùng với các loại thức ăn nhẹ khác. Chất dinh dưỡng cho buổi sáng sẽ chiếm khoảng 25% số lượng thức ăn cả ngày.
Bữa trưa là bữa ăn có chất dinh dưỡng nhiều nhất, nên cho trẻ ăn cơm, thịt băm, trứng, rau cải, gan động vật, đậu phụ, canh rau… Lượng chất dinh dưỡng cần thiết của bữa trưa chiếm khoảng 35% số lượng thức ăn cả ngày của trẻ.
Bữa tối nên cho trẻ ăn hơi nhạt, ví dụ như cơm nát, mì sợi, bánh nhân rau, rau cải, súp…, chất dinh dưỡng trong bữa tối chiếm khoảng 30% tổng số lượng thức ăn cả ngày. Đồng thời cũng cần phải chú ý không nên cho trẻ nhỏ ăn quá no vào buổi tối, vì nó ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ và làm cho trẻ ngủ không ngon.
Còn lại 2 bữa phụ, chiếm 10% lượng thức ăn cả ngày của bé. Thông thường trẻ được cho ăn bữa phụ tại trường, bao gồm rau câu, bánh flan, chè, bánh da lợn, uống sữa đậu nành
Thực đơn tham khảo dành cho bạn
Khẩu phần của mỗi bé có thể hơi khác nhau, phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng, tốc độ phát triển ở trẻ… Nhưng nhìn chung, các bé 3-4 tuổi cần các nhóm thực phẩm cơ bản sau:
* Tinh bột: gạo, bánh mì, ngũ cốc.
* Rau củ, trái cây.
* Sữa, sữa chua và phô mai.
* Các loại thịt đỏ (bò, lợn…), thịt gia cầm, cá, trứng, đỗ quả, đỗ hạt.
* Một ít chất béo (tốt nhất là từ mỡ cá và dầu ô-liu).
Tinh bột: 6 phần mỗi ngày.
Tinh bột có chứa chất xơ (hỗ trợ hệ thống tiêu hóa) và các loại đường phức (cung cấp năng lượng kéo dài). Hơn nữa, tinh bột còn chứa các loại vitamin B và một số loại ngũ cốc làm sẵn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết.
Đối với bé 3-4 tuổi, một phần tinh bột bằng:
- 1 lát bánh mì.
- Hoặc 3 chiếc bánh quy vuông.
- Hoặc 1/2 chén cơm hoặc mì sợi.
(Chẳng hạn bạn cho con ăn cơm thì có thể tự tính: 6 (phần) x ½ chén cơm = 3 chén cơm/ngày).
Trái cây và rau xanh: 5 phần mỗi ngày.
Trái cây và rau xanh cung cấp nhiều chất xơ, như vitamin A, C và kali. Ngoài ra, hầu hết rau quả đều chứa các chất chống oxy hóa, các chất giúp cơ thể chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh về tim mạch.
Đối với bé 3-4 tuổi, một phần trái cây và rau xanh bằng:
- 2 nhánh bông cải xanh.
- Hoặc 1/2 ly nhỏ súp cà chua.
- Hoặc 3/4 ly nhỏ nước cam.
- Hoặc 1 trái chuối.
Đạm: 2 phần mỗi ngày.
Bé cần protein để lớn lên. Protein có trong sữa, thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, phô mai, đậu… Những loại thực phẩm này còn cung cấp sắt, kẽm và một số vitamin B.
Đối với bé 4 tuổi, 1 phần thực phẩm giàu đạm bằng:
- Nửa quả trứng + 50g thịt/tôm/cá…
- Hoặc 4 thìa bơ đậu phộng.
- Hoặc 1/4 chén đậu nấu chín
Sản phẩm từ sữa: 2 phần mỗi ngày
Hầu hết các sản phẩm từ sữa đều chứa nhiều canxi giúp răng và xương bé chắc khỏe. Sản phẩm từ sữa còn cung cấp nhiều đạm - đó là sản phẩm thay thế khi con bạn không thích ăn thịt.
Đối với bé 3-4 tuổi, một phần sản phẩm từ sữa bằng:
- 1 ly sữa hoặc 1 hộp sữa chua.
Chất béo:
Chọn các loại chất béo “tốt” như dầu thực vật, mỡ cá… Không cần kiêng chất béo trừ khi bé có dấu hiệu thừa cân.
Vitamin và muối khoáng:
Nhu cầu vitamin và muối kháng ở trẻ 3-4 tuổi tương đối cao, đa số các lượng và các loại gần bằng người lớn, thậm chí có loại còn cao hơn. Trong đó vitamin A, B, C có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, bạn không cần bổ sung vitamin và khoáng chất theo dạng viên uống, trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định. Chỉ cần đảm bảo cho trẻ có chế độ ăn phong phú, nhiều trái cây, rau củ là bé đã có đủ lượng vitamin cần thiết.