Nội dung thơ - truyện tháng 5/2016

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẬN HÀ ĐÔNG

TRƯỜNG MẦM NON MÙA XUÂN

***************

 

NỘI DUNG THƠ - TRUYỆN THÁNG 05/ 2016

KHỐI A ( 5 -6 TUỔI)

TRUYỆN: VAI KỊCH CUỐI CÙNG

ĐẢO VÀ BÀI THƠ XUÂN CỦA BIỂN

 

Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.
Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết. 

Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."

Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.

 

Biển làm bài thơ xuân 
Câu thơ toàn những sóng
Đảo tròn như dấu chấm
Để sóng dừng ngắt câu.

Đàn chim bay đi đâu 
Cũng về đây nghỉ lại
Từng chùm mưa kết trái
Trên vòm lá xanh cao.

Chẳng cần thước kẻ đâu 
Đoàn tàu đi vẫn thẳng
vệt sóng dài loang nắng
Động vách đá reo cười.

Chú đứng trên dấu chấm 
Để canh giữ biển trời
Gió quạt vào cây súng
Bật lên tiếng: À ơi!

Sóng gió đi muôn nơi 
Câu thơ chăng đầy trời
vẫn trở về với đảo
Tất cả dừng – ngắt câu!

Bài thơ chẳng thành đâu 
Nếu biển không có đảo.

( Sưu tầm)

 

 

 

TRUYỆN: AI NGOAN SẼ ĐƯỢC THƯỞNG

Vào một buổi sáng, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng. Vừa thấy Bác, các em nhỏ đã chạy ùa tới, quây quanh Bác. Ai cũng muốn nhìn Bác cho thật rõ.

Bác đi giữa đoàn học sinh, tay dắt hai em nhỏ nhất. Mắt Bác sáng, da Bác hồng hào. Bác cùng các em đi thăm phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp,  nơi tắm rửa…

Khi trở lại phòng họp, Bác ngồi giữa các em và hỏi:- Các cháu chơi có vui không?

Những lời non nớt vang lên:- Thư­a Bác, vui lắm ạ!

Bác lại hỏi :- Các cháu ăn có no không?

- Có  ạ!

- Các cô có mắng phạt các cháu không?

- Không ạ!

Bác khen :-Thế thì tốt lắm! Bây giờ Bác chia kẹo cho các cháu. Các cháu có thích kẹo không?

Tất cả cùng reo lên:- Có ạ! Có ạ! Một em bé giơ tay xin nói:

- Th­ưa Bác, ai ngoan thì đ­ược ăn kẹo, ai không ngoan thì không đ­ược ăn kẹo ạ!

- Các cháu có đồng ý không?

- Đồng ý ạ!

Các em nhỏ đứng thành vòng tròn rộng.Bác cầm gói kẹo chia cho từng em. Đến l­ượt Tộ, em không dám nhận, chỉ khẽ th­ưa:- Th­ưa Bác, hôm nay cháu không vâng lời cô. Cháu chư­a ngoan nên không được ăn  kẹo của Bác.Bác c­ười trìu mến:

- Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như­ các bạn khác.

Tộ mừng rỡ nhận lấy kẹo Bác cho.

Các con ạ! Bác Hồ của chúng ta là vậy đó, rất yêu quý thiếu nhi, Bác luôn quan tâm xem thiếu nhi ăn ở học tập thế nào. Bác khen  ngợi khi các em biết tự nhận lỗi. Là thiếu nhi chúng ta phải thật thà, dũng cảm, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

TRUYỆN: GÀ TƠ ĐI HỌC

 

Buổi sáng, Gà mẹ gọi Gà Tơ: - Con trai bé bỏng ơi, mau dậy đi học nào!
Nhưng Gà Tơ cứ nhắm tịt mắt, phụng phịu: - Ứ ừ, con buồn ngủ lắm! Cho con ngủ thêm một lúc nữa!Gà Mẹ dỗ dành: - Phải dậy đi học chứ con!
Gà Tơ đáp: - Con biết chữ rồi mà: O tròn như quả trứng gà phải không ạ?
Nói rồi, Gà Tơ lại nhắm mắt ngủ tiếp.Ngày nào Gà Tơ cũng ngủ dậy muốn như thế, lúc tỉnh dậy thì các bạn Cún Bông, Vịt Xám, Mèo Tam Thể đã đi học cả. Gà mẹ đi kiếm mồi vắng, gà Tơ lại lang thang đi chơi, không đến lớp học.
Hôm ấy, cô giáo Gà Mái Mơ tổ chức cho cả lớp đi cắm trại. Vì Gà Tơ không đi học nên cô đã nhờ Vịt Xám mang giấy thông báo đi cắm trại về nhà cho Gà Tơ. Gà Tơ cầm tờ giấy, xoay ngược, xoay xuôi nhưng chẳng hiểu gì, chỉ thấy có rất nhiều quả trứng: quả thì có râu, quả thì đội nón, quả lại có móc dài. Nó nghĩ: "Ôi dào, chữ thì cũng chỉ như những quả trứng thôi! Có gì đâu mà học!" và quẳng tờ giấy đó đi.
Đến hôm cắm trại, cả lớp chờ mãi vẫn không thấy Gà Tơ đến. Đến khi ông mặt trời tở nắng vàng rực, cả lớp mới lên đường. Các bạn nhỏ dựng trại bên bờ hồ nước trong xanh và múa hát thật vui vẻ. Bỗng cún bông vểnh tai lắng nghe: hình như có tiếng ai khóc ở đâu đây...Cả lớp ùa đi tìm thì thấy Gà Tơ đang ngồi khóc thút thít bên bụi chuối. Thì ra Gà Tơ đi chơi xa, bị lạc đường, không về nhà được. Mèo Tam Thể hỏi: - Tại sao bạn lại ở đây một mình?
Cún Bông cũng hỏi: - Chúng tớ chờ cậu mãi, sao cậu không đi cắm trại cùng cả lớp?
Gà Tơ đáp: - Vì tớ...tớ không biết!
Vịt Xám nói ngay: - Tớ đã đem giấy thông báo đi cắm trại của cô Gà Mái Mơ đến cho cậu mà!
Lúc này, gà Tơ mới nhớ ra tờ giấy ấy. Nhưng cậu ta không biết đọc nên chẳng biết đó là tờ giấy thông báo đi cắm trại. Gà Tơ nghĩ: "Tất cả chỉ tại mình không chịu đi học nên không biết chữ thôi!" và cảm thấy rất xấu hổ. Lúc đó, cô giáo Gà Mái Mơ đến xoa đầu Gà Tơ rồi nói:
Con chịu khó đi học rồi cũng sẽ biết đọc, biết viết như các bạn mà!
Gà Tơ ấp úng xin lỗi cô giáo và hứa sẽ đi học thật chăm.
Từ đó trở đi, chẳng đợi mẹ phải gọi, hôm nào, Gà Tơ cũng dậy thật sớm để đi học. Cậu ta còn sợ có bạn nào ngủ quên không đến lớp nên sáng nào cũng gáy "ò ó o" để gọi các bạn cùng dậy nữa.

 

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẬN HÀ ĐÔNG

TRƯỜNG MẦM NON MÙA XUÂN

***************

NỘI DUNG THƠ - TRUYỆN THÁNG 5/ 2016

KHỐI B (4 - 5 TUỔI)

TRUYỆN: QUẢ TÁO CỦA BÁC HỒ

THƠ: MÙA HẠ TUYỆT VỜI

 

Năm 1946, Bác Hồ sang thăm nước Pháp. Nhân dân và thiếu nhi Pháp rất vui mừng, phấn khởi. Họ tụ tập, vẫy tay và hoan hô Bác tại các nơi Bác đi qua hay đến thăm.
Hôm ấy, Tòa thị chính Pari mở tiệc lớn đón mừng Bác. Tiệc tan, mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy Bác Hồ cầm theo một quả táo.
Khi Bác ra đến ngoài cửa thì có một đám thiếu nhi ríu rít chạy tới chào. Bác tươi cười bế một em bé gái nhỏ lên hôn và đưa cho em quả táo. Mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ và rất cảm động trước tình cảm của Bác dành cho các em thiếu nhi. 
Ngày hôm sau, câu chuyện "Quả táo của Bác Hồ" đã được các báo đăng lên trang nhất. Còn em bé sau khi nhận được quả táo của Bác thì giữ khư khư trong tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo lên bàn học của mình. Cha mẹ bảo: 
- Con ăn đi kẻo để lâu quả táo sẽ hỏng mất.
Thế nhưng, em bé nhất định không ăn và bảo:
- Đó là quả táo Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu làm kỷ niệm.

(Sưu tầm)

 

 

 

Bằng lăng đang hé mở
Phượng rung rinh mắt cười
Ve đâu đấy lấp ló
Cả muôn khúc nhạc vui.

Trời cao và xanh thế
Nắng dọi khắp muôn nơi
Như những sợi chỉ nhỏ
Để nối đất với trời

Ôi, mùa hạ tuyệt vời
Cho em bao mơ ước.

               Phạm Hưng Long

TRUYỆN: CẬU  BÉ NGƯỜI GỖ PUNOCHIO

Ngày xửa ngày xưa có một ông thợ mộc tốt bụng. Ông lão đẽo được một cậu bé người gỗ và đặt tên cho câu bé là Pinocchio. Ông lão ước ao: “Giá mà cậu bé này thành người thật thì vui biết mấy”. Bỗng một ngày cậu bé được bà tiên hóa phép trở thành người thật. Ông lão vô cùng vui sướng.
Pinocchio được ông lão cho đi học. Một hôm, trên đường đến trường Pinocchio gặp một con cáo xấu xa. Con cáo xấu xa dụ dỗ Pinocchio đi chơi, bỏ bê việc học ở trường, dạy cậu nói dối và đánh bạn. Sau đó, con cáo xấu xa đã cướp mất cặp sách của Pinocchio rồi đẩy cậu bé xuống biển. Bị đẩy xuống biển, Pinocchio vô cùng sợ hãi. Cậu nhìn thấy một con cá to đang há miệng ra để ăn thịt mình. Ít phút sau nó đã nuốt chửng cậu vào bụng.”Phì! phì!”, gỗ chẳng ngon tẹo nào, con cá lại nhổ cậu bé ra.
Khi trở về nhà ông lão giật mình hỏi cậu bé, cháu đi học sao lại trở thành ra thế này. Pinochio nói dối: “Cháu bị ngã”. “Vù…vù” cái mũi cậu bé lập tức dài hẳn ra. Càng nói dối thì cái mũi của của cậu bé càng dài ra. Pinocchio đau đớn và khóc: “Hu…hu…hu…” nước mắt chày ròng ròng

Thấy vậy Pinocchio tự hứa rằng: “Cháu sẽ không bao giờ dám nói dối nữa đâu”. Nói xong, mũi cậu ngay lập tức trở lại như ban đầu.
Từ đó trở đi, Pinocchio không bao giờ dám nói dối nữa và đã trở thành một cậu bé ngoan đáng yêu.

 

 

TRUYỆN: VÌ SAO NƯỚC BIỂN LẠI MẶN

 

Ngày xưa ở bờ biển nọ, có một ông lão đánh cá rất nghèo. Ngày ngày, ông ra biển đánh cá rồi đem cá ra chợ đổi lấy bánh mì và muối để sống qua ngày.

Một hôm, như thường lệ, ông lão cũng mang lưới ra biển đánh cá. Khi kéo lưới lên, ông chỉ thấy một con cá nhỏ, vảy và đuôi vàng óng. Con cá van nài:

- Ông lão ơi, ông đừng giết tôi, ông muốn gì, tôi xin giúp.

Nghe nói, ông lão thở dài:

- Lão nghèo lắm, cả đời đến muối cũng chẳng có mà ăn. Ta chỉ mong trong nhà lúc nào cũng có muối mà thôi.

- Thế thì tôi sẽ cho ông một cái cối xay muối. Khi cần ông chỉ việc nói: "Cối ơi, hãy xay muối đi!". Lúc nào ông muốn nó dừng lại thì nói: "Cối ơi. thôi đủ rồi".

Nói rồi con cá biến mất. Trước mặt ông lão hiện ra một chiếc cối nhỏ. Ông trở về với chiếc cối xay trong tay. Ông mang ra xem và thử nói:

- Cối ơi, hãy xay muối đi.

Tức thì, từ chiếc cối, những hạt muối trắng tinh óng ánh chảy ra. Ông lão sung sướng hứng muối cho mình. Khi thấy đủ, ông nói:

- Cối ơi, thôi đủ rồi!

Sau đó ông đem muối chia cho dân làng, nhà ai cần ông cũng mang cho. Từ đó dân làng rất mừng vì có đủ muối ăn.

Dần dần tiếng đồn về chiếc cối đến tai một lão nhà giàu ở làng bên. Hắn rắp tâm ăn trộm chiếc cối của ông lão nghèo. Một hôm khi hàng xóm đã ngủ say, ông lão cũng nằm ngủ dưới bếp, bên cạnh chiếc cối đang làm việc, nó xay muối để sáng mai ông kịp phân phát cho dân làng. Tên nhà giàu chèo thuyền sang nhà ông, hắn lẻn vào đánh cắp chiếc cối rồi nhanh chóng trở ra thuyền

Đặt chiếc cối vào khoang, hắn vội vàng chèo thuyền ra biển. Chiếc cối thì vẫn đang xay muối. Muối trong thuyến đầy dần. Ra đến giữa biển, chiếc thuyền nặng nề, chòng chành. Tên nhà giàu ra sức chèo. Lúc đó trời bổng nhiên nổi gió, rồi gió bão mỗi lúc một to. Lúc này, lão nhà giàu thấy cần phải bắt chiếc cối dừng lại, nhưng hắn không biết làm thế nào trong khi muối thì đã đầy. Gió bão dữ dội, mấy lần chiếc thuyền suýt bị lật. Hoảng quá cuối cùng tên nhà giàu phải kêu cứu. Nhưng khi dân làng chạy ra đến bờ biển thì cũng là lúc mọi người trông thấy một cơn sóng lớn chồm lên nhận chìm cả tên nhà giàu lẫn chiếc thuyền chở đầy muối.

Cho đến ngày nay chiếc cối vẫn còn đang ở dưới đáy biển và vẫn tiếp tục xay ra những hạt muối làm cho nuớc biển trở nên mặn.

 

 

PHÒNG GIÁO DỤC  ĐÀO TẠO QUẬN HÀ ĐÔNG

TRƯỜNG MẦM NON MÙA XUÂN

***************

NỘI DUNG THƠ - TRUYỆN THÁNG 05/ 2016

KHỐI C ( 3 - 4 TUỔI )

 

TRUYỆN: RÙA VÀ THỎ

 

Vào một buổi sáng mùa thu đẹp trời, ở một bờ sông nọ cạnh một khu rừng có một chú Rùa đang miệt mài tập chạy. Thỏ đi ngang qua, thấy vậy cười khẩy Rùa:

Chậm như Sên mà cũng đòi tập chạy!

Nghe Thỏ nói vậy, Rùa không buồn mà bình tĩnh trả lời:

 Đừng giễu nhau. Anh với tồi thử so tài một phen?

Thỏ vểnh râu lên tự đắc:

- Anh mà dám chạy thi với tôi hả? Được ngay. Tôi sẽ chấp anh một nửa đường. Nào bắt đầu!

Rùa không nói lấy một nửa lời. Nó biết mình vốn chậm. Người đời đã từng nói: “Chậm như Rùa” mà. Vì thế, khi hiệu lệnh ban ra, Rùa nhích từng bước một, Thỏ ta tủm tỉm cười. Nó nghĩ: “Cần gì phải vội, đợi cho Rùa gần tới đích, ta chỉ phóng vù một hơi là thắng cuộc rồi”. Nghĩ thế, Thỏ ta vừa đi vừa nhởn nhơ đuổi bướm, ngắt hoa, nhìn trời đất như không cổ việc gì xảy ra.

Chợt nghĩ đến cuộc thi, ngẩng lên đã thây Rùa sắp tới đích, Thỏ vội vội vàng vàng ba chân bốn cẳng lao đi như một vệt tên bắn. Nhưng không kịp nữa rồi, Rùa đã tới đích từ lâu.

Câu chuyện “Rùa và Thỏ” đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc: không tự cao tự đại, không khoe khoang khoác lác, phải biết người biết ta, kiên trì luyện mọi việc ắt sẽ thành công.

 

THƠ: ẢNH BÁC

 

THƠ: NẮNG BỐN MÙA

 

 

Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mĩ nhớ ra hầm ngồi
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em...

Trần Đăng Khoa

 

 

 

 

 

Dịu dàng và nhẹ nhàng
 Vẫn là chị nắng xuân


      Hung hăng, hay giận giữ
Là ánh nắng mùa hè


        Vàng hoe như muốn khóc
    Chẳng ai khác nắng thu


  Mùa đông khóc hu hu
  Bởi vì không có nắng.

                       Mai Anh Đức

 

 

 

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẬN HÀ ĐÔNG

TRƯỜNG MẦM NON MÙA XUÂN

***************

NỘI DUNG THƠ - TRUYỆN THÁNG 05 / 2016

KHỐI D (24 - 36 THÁNG)

 

TRUYỆN: GIỌNG HÓT CHIM SƠN CA

Ngày xửa, ngày xưa, ở một khu rừng nọ có rất nhiều loài chim. Mỗi loài có một giọng hát khác nhau. Duy chỉ có Sơn Ca có giọng hót hay hơn cả. Mỗi khi Sơn Ca hót, cỏ, cây, hoa lá rì rào hoà theo. Dòng suối đang chảy róc rách cũng như muốn dừng lại để thưởng thức giọng hót mê li ấy.
Một hôm chim Sẻ được các bạn cử đến gặp Sơn Ca. Chim Sẻ hỏi Sơn Ca :
- Bạn Sơn Ca ơi, có phải bác Mặt Trời cho bạn giọng hát mê li ấy không ?
- Không phải đâu. Bác Mặt Trời tốt bụng chỉ cho tôi những tia nắng vàng rực rỡ, ấm áp thôi.
- Thế có phải cô Mây Hồng đã cho bạn giọng hót hay không ?
- Cũng không phải đâu bạn Sẻ ạ. Cô Mây Hồng xinh đẹp chỉ cho tôi những tảng bông êm dịu thôi. 
- Ôi Sơn Ca đáng yêu : Thế ai đã cho bạn giọng hót hay ?
Chim Sẻ và cả bầy chim không hiểu tại sao mà Sơn Ca có giọng hót tuyệt vời đến thế. Các bạn quyết định đến trường hỏi cô giáo Hoạ Mi. Nghe các học trò của mình hỏi, cô giáo Hoạ Mi cười rất vui. Cô nói :
- Cô và các cháu cùng nhau tìm hiểu điều đó. Sáng mai cô sẽ đợi các cháu, ta cùng đến nhà bạn Sơn Ca. Nhưng các cháu phải nhớ dậy sớm đấy.
Sáng hôm sau, khi đến nhà Sơn Ca, các bạn thấy Sơn Ca vừa chuyền cành vừa hót say sưa. Thỉnh thoảng Sơn Ca vừa nghiêng đầu lắng nghe tiếng cây cối xào xạc, tiếng suối chảy róc rách. Nghe rất kĩ, rất lâu những âm thanh ấy rồi Sơn Ca mới bắt chước theo. Các bạn chim lúc ấy mới chợt hiểu vì sao Sơn Ca có giọng hót hay đến thế. Cả đàng chim ríu rít cất tiếng hoà với giọng hót của Sơn Ca. Rừng cây rộn ràng tiếng hót của bầy chim non chào mừng ngày mới.

THU THỦY

 

TRUYỆN: CHIẾC Ô CỦA THỎ TRẮNG

Một buổi sáng đẹp trời, Thỏ trắng thích thú chạy nhảy, ngắm hoa, hái nấm trên bãi cỏ xanh mướt. Bỗng nhiên, trời nổi gió và mưa như trút. Thỏ Trắng vội bẻ ngay lá to làm ô che đầu để khỏi bị ướt.; Đi được một quãng, Thỏ Trắng nhìn thấy một chú Gà Con miệng kêu “ chiếp chiếp “, chẳng có gì để che đầu. Thỏ Trắng vội gọi:

- Gà con ơi ! Đến dưới ô của anh, mau lên kẻo ướt !

Gà con chạy đến nấp dưới tàu lá và nói:

- Em cảm ơn anh Thỏ !

Thỏ Trắng và Gà con đi được một quãng thì gặp Mèo vừa chạy vừa kêu “ meo meo”. Thỏ Trắng và Mèo con cùng gọi:

Mèo con  ơi ! Mau vào đây kẻo ướt !

Mèo con cười tươi, vội cảm ơn Thỏ Trắng và Gà con rồi vào đứng dưới tàu lá của Thỏ Trắng.

Lát sau mưa tạnh, mặt trời sáng tỏ, Thỏ Trắng và Gà con, Mèo con cùng chơi đùa dưới nắng ấm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác