Chúng ta đều đã từng thất bại Khi đến độ tuổi lớn hơn một chút, khoảng từ hai đến năm tuổi, việc trải nghiệm sự thất bại, thất vọng, nhầm lẫn, sai sót... của bé khi được học song song với cảm giác thành công, sẽ xây dựng nên một "nền móng" ban đầu của việc tự lập, chủ động với cuộc sống sau này, "nền móng" này sẽ hình thành dần trong não bé và nếu được trau dồi, nó sẽ phát triển rất tốt. Tuy nhiên, nếu ba mẹ càng bảo vệ bé tránh khỏi thất bại, khả năng này của bé sẽ ngày càng mất đi. Về lâu dài, nó sẽ cản trở khả năng học hỏi và phát triển những kỹ năng mới khi bé lớn lên. Tuy nhiên, quá nhiều thất bại cũng là điều không tốt, nó cũng sẽ lại thúc đẩy cảm giác xấu hổ xuất hiện. Đến một lúc nào đó, khi bé có suy nghĩ rằng "mình hoàn toàn không thể làm được việc này", bé sẽ lười thử những thứ mới, nhanh chán nản và dễ lo lắng. Làm gì để giúp bé có được sự phát triển tốt?
Dù đó là những lần thất bại lớn hay nhỏ, chúng ta chắc chắn đều đã từng kinh qua, nhưng thật may mắn, hầu hết loài vật nào cũng có một hệ thống đối phó với thất bại tồn tại trong não, vì thế việc vượt qua thất bại chỉ là sớm hay muộn. Hệ thống này phát triển ngay từ khi chúng ta còn rất bé, hãy thử nhìn một em bé 12 tháng tuổi tập đi, bé ngã rất nhiều, dù vậy bé vẫn cố gắng đứng dậy để tiếp tục thử bước tiếp. Nhưng nếu người lớn quá cưng nựng và nuông chiều, hệ thống đối phó với thất bại của bé sẽ không được rèn luyện và phát triển, bé sẽ mất dần đi tính kiên trì, quen với việc phụ thuộc vào người lớn.
• Đầu tiên, chúng ta hãy xác định chính xác khi nào thì bé bị cảm giác thất bại thường xuyên ám ảnh.
- Bé hay xấu hổ, không tự tin và thích trốn mỗi khi phải làm việc bé hay bị thất bại.
- Giả vờ mệt mỏi, đau bụng... để tránh phải tham gia hoạt động cùng mọi người. Lý do bé hay đưa ra là: "Con không biết làm", "Con sẽ bị đau mất"...
- Dễ chán nản và rất hay gây sự khi bị ép buộc phải thực hiện hoạt động.
Bạn đừng hoảng nếu như bé nhà bạn đang có tất cả những dấu hiệu trên. Và đừng nóng lòng thay đổi bé ngay lập tức, chúng ta nên dành cho bé thời gian và thay đổi suy nghĩ của bé từ từ, hãy thật kiên nhẫn cùng bé nhé!
• Động viên và giúp đỡ bé để bé thay đổi suy nghĩ. Đôi khi, chỉ một lời nói không chủ tâm của người lớn cũng khiến cho bé dễ bị tổn thương. Ví dụ như khi bé tè dầm và người lớn nói với những bạn bè xung quanh để "ê xấu" bé. Hành động đánh đồng cảm giác thất bại với xấu hổ, ngượng ngùng có thể khiến cho tâm trạng của bé tồi tệ hơn. Thêm nữa, phản ứng của chính người lớn mỗi khi họ bị thất bại cũng tác động rất nhiều đến suy nghĩ của bé. Vì thế, việc động viên để bé vững tâm hơn mỗi khi gặp thất bại, hay đưa ra những mục tiêu để bé phấn đấu dài hơi với phần thưởng là một món quà bé thích cũng sẽ kích thích thế chủ động trong con người bé. Chúng ta hay cho rằng các bé dưới năm tuổi là quá bé để học hỏi, nhưng sự thật, khi bạn thường xuyên giải thích cho bé hiểu về sự thất bại, dạy bé cách đối mặt với thất bại ở thế chủ động và cách để vượt qua thất bại, bé sẽ tự tin hơn rất nhiều.
• Ủng hộ sự thất bại của bé. Ủng hộ ở đây không có nghĩa là khuyến khích bé thất bại. Mỗi khi bé thất bại, hay làm hỏng, làm sai, thay vì quát mắng và cấm đoán, ba mẹ nên nói chuyện để tìm hiểu vì sao bé thất bại. Tìm cách động viên để bé nói ra suy nghĩ của mình, nếu bé khóc, cứ để bé khóc, đừng dỗ dành quá nhiều, tuỳ trường hợp mà ba mẹ có thể yêu cầu bé làm lại hành động vừa thất bại, nhưng không ép buộc. Có thể hướng bé tới một việc khác tương tự đơn giản hơn để bé có thể thành công, và lúc khác hãy quay lại với sự thất bại bé vừa nhận được. Một điều quan trọng khác nữa giúp bé có tinh thần phấn đấu vượt qua thất bại nhiều hơn, đó là dạy bé tinh thần trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác. Ví dụ như việc "đánh chừa cái bàn, cái ghế..." mỗi khi bé bị ngã sẽ vô hình tạo cho bé thói quen không nhận lỗi hay thất bại về mình. Việc này lại gây một tác động rất xấu, đó là bé chấp nhận thất bại, nhưng chẳng mảy may lo nghĩ vì đơn giản đó không phải lỗi của bé, đã có người khác, vật khác nhận thay.
• Giúp bé cảm nhận sự yêu thương từ gia đình. Bé sẽ rất vui mừng và hứng thú với mọi việc khi có ba mẹ bên cạnh và cùng bé trải qua cảm giác thất bại. Cảm giác được chia sẻ luôn là một cảm giác rất tích cực, nó làm giảm bớt sự buồn rầu, chán nản và lo lắng khi bé bị thất bại, đặc biệt khi bé nhận được sự chia sẻ đó từ những người thân. Ba mẹ hãy dạy bé những từ ngữ để thể hiện cảm xúc, và luôn sẵn sàng giúp đỡ có chừng mực để bé hiểu bé luôn có ba mẹ bên cạnh nhưng bé vẫn phải "tự lực cánh sinh".
Dạy dỗ một em bé hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng, nuông chiều quá mức sẽ khiến bé ỷ lại và dễ bị người ngoài chê là hư, nhưng nghiêm khắc quá cũng sẽ khiến bé mất tự tin và dễ bị trầm cảm. Hãy tập cách là những người cha, người mẹ thông minh bạn nhé.
Nguồn : Sai Gòn tiếp thị Online