Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ

 

Đối phó với tình huống
Trong một buổi rèn kỹ năng cho một nhóm trẻ (30 em từ 10 - 14 tuổi), tình huống đặt ra là nếu trẻ đang đi trên đường (hoặc ở nhà) một mình mà bất ngờ bị bắt cóc hay bị xâm hại thân thể thì các em sẽ xử trí thế nào? Về góc độ lý thuyết, hầu hết các em đều cho rằng mình sẽ bình tĩnh tìm cách đối phó. Vậy mà, khi chúng tôi chọn ngẫu nhiên ba em gái và bốn em trai tham gia tình huống bị bắt cóc bất ngờ thì các em lại rất lúng túng, thậm chí có em vì quá hoảng hốt, sợ hãi đã khóc la ầm ĩ. Điều này rất có hại cho tính mạng của các em khi gặp sự cố. Do đó, nên dạy cho trẻ càng sớm càng tốt những cách xử trí linh hoạt, chủ động, bình tĩnh ứng phó.
 
Qua tìm hiểu từ phía phụ huynh và trẻ em, chúng tôi nhận thấy còn nhiều trẻ thiếu kỹ năng nhận biết và tránh xa những nguy cơ rủi ro, chết người như lửa, nước sôi, điện... Nguyên nhân lại hết sức đơn giản là do các bậc cha mẹ thường lo lắng và cấm đoán con trước những nguy hiểm tiềm ẩn, nhưng lại không giải thích một cách rõ ràng. Trong khi đó, trẻ vốn hiếu kỳ, tò mò tự khám phá. Vì thế trẻ không thể tự mình tránh khỏi rủi ro.

Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là dạy trẻ cách tự phòng vệ
Có một nghịch lý nữa là trong quá trình nuôi dạy và giáo dục con cái, các bậc phụ huynh thường cho rằng, chỉ cần cha mẹ suốt ngày che chở, đưa đón là đã đảm bảo an toàn cho trẻ. Trẻ còn yếu đuối, non nớt thì làm sao có thể tự bảo vệ được. Vì suy nghĩ của cha mẹ như thế, nên nhiều trẻ chỉ biết chấp nhận người lớn bao giờ cũng đúng, kể cả phải chịu đựng những trận đòn roi mà không biết cách phản ứng để bảo vệ mình. Với thói quen hành xử chỉ biết thủ phận, trẻ còn phải chịu những trận bạo hành, ăn hiếp ở trường, ở trong cộng đồng. Không ít bậc cha mẹ còn cho rằng, trẻ biết cam chịu thì dễ quản lý, dạy trẻ biết cách phản ứng, cãi lý đâm ra chúng trở nên bướng bỉnh, khó bảo nên nhiều người chưa tạo điều kiện cho con phát huy tinh thần chủ động ứng phó.

Thói quen tự nhận biết nơi nguy hiểm
Việc dạy trẻ những kỹ năng tự bảo đảm an toàn cho bản thân là cả một quá trình. Tuy nhiên, người lớn cần phải khéo léo, tế nhị kể cho trẻ nghe những tình huống khó khăn, nguy hiểm như lạc đường, gặp người lạ rủ rê... và giúp con hiểu cần xử lý như thế nào. Trước hết, cha mẹ nên chủ động thảo luận với trẻ về những tình huống trẻ em bị xâm hại, bạo hành hoặc bị bắt cóc.

Một số bậc phụ huynh cho rằng, không nên cho trẻ biết về những tiêu cực của cuộc sống quá sớm khi họ muốn xây dựng cho con cái của mình một môi trường hoàn toàn "trong sạch". Song, thực tế các bậc phụ huynh không phải lúc nào cũng có thể bảo đảm tuyệt đối sẽ luôn ở bên con mỗi khi xảy ra tình huống xấu. Do vậy, cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ tập dần thói quen tự nhận biết và cách tránh xa nơi nguy hiểm. Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên dạy trẻ biết tự bảo vệ thân thể của mình và kỹ năng tự quản lý bản thân.

Người lớn phải khéo léo dạy trẻ cách giữ gìn và bảo vệ các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Giúp trẻ chủ động, cảnh giác với các tình huống khi có người quan tâm một cách thái quá cơ thể của trẻ. Với người lạ hay người thân thiết của gia đình, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là những hành vi, trường hợp cần cảnh giác. Dạy cho trẻ một số cách phản kháng để bảo vệ bản thân. Đặc biệt, đối với bé gái, cha mẹ cần dạy cho trẻ biết cách la lối khi người khác có hành vi xâm hại đến bộ phận sinh dục của mình. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè bố mẹ, hàng xóm...
 
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ tập thói quen ứng phó linh hoạt trước những tình huống bất ngờ. Chẳng hạn khi ở nhà một mình mà có khách lạ đến, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào, mà hãy ứng xử khéo và tế nhị để tìm cách gọi điện cho anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho cha mẹ để thông báo. Khi con bị lạc đường, khuyên con nên bình tĩnh gọi điện về cho gia đình hoặc đến các cơ quan công an, trường học nhờ giúp đỡ. Tuyệt đối không được nhờ những người lạ gặp được trên đường. Cha mẹ cần dạy cho con nhớ số điện thoại, địa chỉ của gia đình hoặc ghi vào sổ tay, sách vở của trẻ. Không nên ghi địa chỉ gia đình lên cặp sách của trẻ. Việc làm này có thể bị kẻ xấu lợi dụng khi con đi một mình. Cố gắng dạy các bé biết cách sử dụng điện thoại càng sớm càng tốt. Hãy bảo với trẻ, trong những trường hợp nguy hiểm, trẻ phải biết la lên, đá, cắn, quẫy đạp hoặc nói dối để chạy thoát khỏi nơi đó. Cha mẹ hãy tạo những dấu hiệu riêng mà chỉ có những người trong gia đình cùng biết, phòng trong trường hợp khi gặp bất trắc, trẻ có thể sử dụng tín hiệu đó để báo động với cha mẹ mà kẻ lạm dụng (bắt cóc, quấy nhiễu...) không biết, nhằm bảo vệ trẻ an toàn.

Theo hanhphucgiadinh.vn

Bài viết khác